Tôi lớn lên ở ngoại thành một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Miền đất này trù phú và hào sảng,ọcbìnhdâvịt trời nhưng cũng là nơi có số lượng phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thông qua môi giới thuộc hàng cao nhất cả nước. Mỗi lần về thăm quê, tôi nghe không thiếu những chuyện so sánh giá trị của một người dựa vào việc cô ấy lấy chồng giàu tới đâu, xây nhà cho cha mẹ hoặc chu cấp cho dòng họ như thế nào. Bà con bàn luận một cách hào hứng như thể chưa từng nghe qua những trường hợp bạo hành hoặc cuộc sống kham khổ của nhiều cô dâu Việt ở các nước này.
Mười lăm năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, tôi quyết định sang Australia học thạc sỹ. Lúc bấy giờ, thông tin và vốn sống hạn chế, tôi chỉ đơn thuần mong muốn có được tấm bằng quốc tế và có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát sau hai năm du học, để về nước tương lai sẽ rộng mở hơn.
Hành trình dự kiến hai năm kéo dài đến nay giúp tôi nghiệm ra rằng, ngày nay du học đã trở nên rất bình dân, không còn là đặc quyền của những ai học giỏi và/hoặc nhà giàu. Có rất nhiều chọn lựa về điểm đến ở khắp nơi trên thế giới phù hợp với mục tiêu và khả năng học thuật lẫn tài chính của sinh viên.
Du học cốt yếu mang lại hai giá trị chính, và du học sinh cũng thường được lượng giá sự thành công thông qua hai yếu tố này. Một là, về mặt học thuật: học ngôn ngữ và/hoặc học kiến thức chuyên môn cho một ngành nghề nào đó. Hai là, về mặt trải nghiệm: được trải nghiệm một cách sâu sắc về đời sống ở một quốc gia khác. Bên cạnh đó, trải nghiệm bao gồm các giá trị cộng thêm khác, như môi trường sống, văn hóa, ẩm thực, du lịch, kết bạn quốc tế, cơ hội việc làm và định cư...
Đối với việc học kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, trừ một số ít lĩnh vực hẹp hoặc công nghệ đặc thù thì gần như sinh viên có thể học ở trong nước, không nhất thiết phải du học mới tiếp cận được. Điều này cũng minh chứng cho thực tế có rất nhiều người chưa bao giờ đi du học, thậm chí không có bằng cấp chính quy, vẫn rất thành công trong chuyên môn. Tôi cũng không đồng tình với việc phóng đại giá trị của bằng cấp quốc tế bởi trình độ văn hóa và năng lực làm việc là hai khía cạnh riêng biệt và không phải lúc nào chúng cũng tỷ lệ thuận với nhau.
Tôi cho rằng giá trị lớn nhất của việc du học chính là ở sự trải nghiệm đời sống và phát triển tư duy. Chính điều này tạo nên sự khác biệt lớn trong việc lượng giá hiệu quả của khoản đầu tư cho du học, dù tôi không hưởng ứng lắm cách đong đếm lời - lỗ bằng tiền bạc trong giáo dục. Trong hàng chục nghìn du học sinh tôi từng tiếp xúc từ khắp các châu lục, có người rất thành đạt trong sự nghiệp, có người còn đang bận rộn mưu sinh, có người định cư ở nước ngoài, có người trở về quê hương hoặc lập nghiệp ở những vùng đất mới, nhưng điểm chung tôi nhìn thấy ở họ là sự tự tin, tự lập, tự chủ và tự do - vốn liếng quan trọng để một người có thể sinh tồn ở bất kỳ nơi nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trước đây tôi vẫn nghĩ chỉ những nước lạc hậu mới cần đi du học ở nước tiên tiến hơn, nhưng khi bước ra thế giới tôi mới vỡ lẽ là thanh niên ở các nước phát triển luôn được khuyến khích và tạo cơ hội để đi du học và trải nghiệm quốc tế càng nhiều càng tốt. Chỉ khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, con người mới có cơ hội phát triển bản thân nhiều nhất, để tạo ra giá trị tích cực cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Tôi đã làm việc với những thanh niên xuất thân khiêm tốn nhưng rất giàu trải nghiệm, các bạn mới ngoài hai mươi tuổi đã du học qua nhiều quốc gia, sử dụng thành thạo vài ba ngôn ngữ, và ấn tượng nhất là tư duy mở để liên tục tiếp nhận những điều mới mẻ mà cuộc đời mang đến cho họ. Ở tầm quản lý vĩ mô, việc khuyến khích du học, trao đổi sinh viên góp phần thúc đẩy hiểu biết về văn hóa và giao thương giữa các quốc gia một cách sâu sắc.
Trong một thế giới đầy bất định, thiên tai và nhân họa như ngày nay, việc chọn đi du học, dám bước ra khỏi vùng an toàn càng đòi hỏi nhiều dũng khí và quyết tâm, nhưng đó cũng là cách rất chủ động để đối mặt với rủi ro và tối đa hóa sự tồn tại và ý nghĩa của chúng ta trong cuộc đời này.
Huỳnh Thị Ngọc Hân